Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Nhằm bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trong hoạt động mua sắm tại bệnh viện, bệnh viện kính đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn một số vướng mắc của bệnh viện trong quá trình tổ chức đấu thầu mua sắm theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023; Nghị định 24/2024/NĐ-CP; Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT và Nghị định 98/2021/NĐ-CP cụ thể như sau:

Tại bệnh viện hiện nay có 02 nhóm vật tư tiêu hao, hóa chất chủ yếu: “Vật tư tiêu hao hóa chất thông thường không bắt buộc sử dụng cùng thiết bị y tế chuyên dùng” và “Vật tư tiêu hao hóa chất phải sử dụng cùng thiết bị y tế chuyên dùng”. Các vật tư tiêu hao hóa chất này hiện có nhiều nhà phân phối trên thị trường Việt Nam. Khi thực hiện tổ chức mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất phải sử dụng cùng thiết bị y tế chuyên dùng bệnh viện đã vận dụng hướng dẫn tại Điều 65 Nghị định 98/2021/NĐ-CP như sau:

“Điều 65. Quyền và trách nhiệm của cơ sở y tế trong việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế

1. Cơ sở y tế có quyền:

a) Yêu cầu chủ sở hữu số lưu hành hoặc cơ sở bảo hành được chứng nhận bởi chủ sở hữu trang thiết bị y tế thực hiện việc bảo dưỡng định kỳ trong thời hạn bảo hành;

b) Yêu cầu bên bán cung cấp tài liệu kỹ thuật của trang thiết bị y tế;

c) Tiếp nhận các trang thiết bị y tế đã qua sử dụng phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sử dụng, sửa chữa trang thiết bị y tế.

2. Cơ sở y tế có trách nhiệm:

a) Sử dụng, vận hành trang thiết bị y tế theo đúng hướng dẫn của chủ sở hữu trang thiết bị y tế;

b) Định kỳ bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn theo hướng dẫn của chủ sở hữu trang thiết bị y tế hoặc quy định của pháp luật;

c) Tham gia thử nghiệm, đánh giá chất lượng trang thiết bị y tế;

d) Báo cáo về các trường hợp trang thiết bị y tế có lỗi và các thông tin khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Qua đó khi thực hiện tổ chức đấu thầu mua sắm đối với các “Vật tư tiêu hao hóa chất phải sử dụng cùng thiết bị y tế chuyên dùng” trong E-HSMT có yêu cầu nhà thầu tham dự thầu phải được “Chủ sở hữu thiết bị y tế xác nhận tương thích với thiết bị xxx”, việc yêu cầu như trên để đảm bảo các quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở y tế theo Điều 65 Nghị định 98/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, chủ sở hữu thiết bị cũng đã có công văn nêu rõ khi bệnh viện không sử dụng đúng hóa chất chính hãng (chủ sở hữu thiết bị xác nhận không có bằng chứng cho việc sử dụng hóa chất không chính hãng) việc tiến hành bảo trì, bảo dưỡng hoặc cung cấp phụ tùng thay thế khi hư hỏng bởi chủ sở hữu thiết bị này sẽ không được tiếp tục.

Tuy nhiên, sau khi phát hành E-HSMT trên hệ thống mua sắm công (https://muasamcong.mpi.gov.vn) và quá trình đánh giá E-HSDT, bệnh viện nhận được phản ánh của một số nhà thầu về quy định việc “Vật tư tiêu hao hóa chất phải sử dụng cùng thiết bị y tế chuyên dùng” khi tham dự thầu phải được “Chủ sở hữu thiết bị y tế xác nhận tương thích với thiết bị xxx” là có yếu tố hạn chế nhà thầu theo Khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu.

Trước tình huống khó khăn trên, để đảm bảo việc tổ chức đấu thầu mua sắm “Vật tư tiêu hao hóa chất phải sử dụng cùng thiết bị y tế chuyên dùng” của bệnh viện được bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. Bệnh viện kính đề nghị Quý cơ quan hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá và xây dựng E-HSMT cho các trường hợp này.

11/07/2025
Trả lời:

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, các gói thầu lựa chọn nhà thầu, dự án đầu tư kinh doanh đã phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và đã mở thầu trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục tổ chức lựa chọn danh sách ngắn, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 57/2024/QH15 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu, hình thức chỉ định thầu được áp dụng đối với gói thầu cung cấp dịch vụtư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó hoặc từ hãng sản xuất, đại lý của hãng sản xuất do cần bảo đảm tính tương thíchvề công nghệ, bản quyền với các trang thiết bị, máy móc, phần mềm, dịch vụ sẵn có hoặc do các điều kiện bảo hành của nhà thầu, hãng sản xuất mà không thể mua được từ nhà thầu khác, hãng sản xuất khác.

Điều kiện áp dụng chào giá trực tuyến được quy định tại Điều 98 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2025/NĐ-CP ngày 06/02/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu).

Theo đó, trường hợp gói thầu mua sắm vật tư tiêu hao hóa chất phải sử dụng cùng thiết bị y tế chuyên dùng để đảm bảo tính tương thích,đáp ứng quy định các nêu trên thì được áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc chào giá trực tuyến theo quy trình rút gọn.

Ngoài ra, theo quy định tại các khoản 2 và khoản 3, Điều 44 Luật Đấu thầu (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 57/2024/QH15, Luật số 90/2025/QH15), hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ và tiêu chuẩn khác do Chính phủ quy định để bảo đảm chất lượng của hàng hóa, dịch vụ, công trình.Hồ sơ mời thầu không được nêu điều kiện dẫn đến làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Gửi phản hồi: