(TBTCO) Nhiều địa phương chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nhưng cũng cam kết thực hiện kế hoạch giải ngân ở mức cao nhất.

Toàn cảnh tại điểm cầu Trụ sở Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Tại Hội nghị trực tuyến “Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020" do Bộ Tài chính chủ trì, diễn ra ngày 31/8/2020, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, năm 2020, Hà Nội được giao 9 dự án ODA với tổng vốn kế hoạch là 6.982 tỷ đồng, trong đó vốn ODA được giao là 5.235 tỷ đồng và vốn đối ứng là 735 tỷ đồng. Ngoài ra, kế hoạch vốn ODA cấp phát chuyển của năm 2019 sang là 1.010 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Toản cho biết đến hết tháng 8/2020, Hà Nội mới giải ngân 1.657 tỷ đồng, đạt 27,75% kế hoạch. Bên cạnh đó, giá trị giải ngân kế hoạch năm 2019 nguồn vốn ODA cấp phát đạt 340 tỷ đồng, bằng 39,56% kế hoạch.
Để có được kết quả trên trong 8 tháng qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thành phố đã chỉ đạo các chủ đầu tư có biện pháp phòng chống dịch và có giải pháp triển khai các dự án ODA không bị gián đoạn. Song, những vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án lại nằm ở khâu thủ tục pháp lý, như việc tạm ứng gói thầu số 9 - Hệ thống thẻ vé do Bộ Tư pháp chưa cấp hiệu lực pháp lý cho Hiệp định vay bổ sung 20 triệu Euro với Chính phủ Pháp…
Tương tự, đại diện TP. Hồ Chí Minh cho biết, giải ngân vốn ODA, vốn vay lại nước ngoài ở địa phương 8 tháng qua đạt khoảng 4.637,4 tỷ đồng, bằng 44,2% kế hoạch, vốn ODA cấp phát từ trung ương đã giải ngân hơn 1.399 tỷ đồng, đạt 27,7% kế hoạch. So với yêu cầu của Chính phủ và tiến độ triển khai các dự án theo cam kết với các nhà tài trợ, kết quả giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa trở thành nhân tố then chốt vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân chậm, do tổng kế hoạch vốn ODA vay lại, cấp phát của Trung ương bố trí cho dự án Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là 12.124 tỷ đồng, chiếm 78% tổng kế hoạch vốn ODA của thành phố, nên việc triển khai chậm đối với dự án này cũng ảnh hưởng tới tình hình giải ngân chung của toàn thành phố. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam, máy móc thiết bị phục vụ cho dự án chưa thể nhập khẩu vào Việt Nam...
Thông tin với hội nghị của điểm cầu ở tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện tỉnh này cho biết, tốc độ giải ngân vốn vay nước ngoài, vốn ODA của địa phương mới được 375 tỷ đồng/1.376 tỷ đồng kế hoạch được giao trong năm 2020. Các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, đại diện của tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do một số dự án vốn nước ngoài được giao vào tháng 12/2019 song các bộ chủ quản lập kế hoạch hoạt động, một số tiểu dự án phải chờ hướng dẫn các định mức và rà soát dự án tổng (như dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển vừa được phê duyệt kế hoạch trong tháng 6/2020; dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay vẫn đang điều chỉnh kế hoạch)...
Bộ Tài chính mong muốn các địa phương hoàn thành kết quả giải ngân năm 2020
Mặc dù còn nhiều khó khăn, tồn tại, song tại các điểm cầu, lãnh đạo nhiều địa phương cam kết sẽ không điều chỉnh kế hoạch phần vốn cấp phát và giải ngân ở mức cao nhất. Đại diện TP. Hồ Chí Minh cam kết không điều chỉnh phần vốn cấp phát. Đối với phần vốn vay lại đang được các sở, ban, ngành của thành phố phối hợp rà soát rồi báo cáo nhanh tới Bộ Tài chính trong tháng 9/2020. Đối với các kế hoạch giao, TP. Hồ Chí Minh cam kết giải ngân với tỷ lệ cao nhất.
Đại diện tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài của địa phương đến ngày 28/8 đạt 44% kế hoạch, song hầu hết các chủ đầu tư đã cam kết thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao đến hết năm 2020.
Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang tiến hành rà soát tiến độ giải ngân của các dự án. Trên cơ sở kết quả rà soát và cam kết của các chủ đầu tư, địa phương sẽ quyết định điều chuyển vốn (đối với kế hoạch vốn thuộc thẩm quyền của tỉnh) hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án chậm giải ngân để ưu tiên bố trí cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh...
Trong phần kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho hay, để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2020, toàn thể hệ thống chính trị từ Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết.
Bộ Tài chính cũng mong muốn các địa phương với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc, nhằm hoàn thành được kết quả giải ngân năm 2020./.
Khánh Huyền