(TBTCVN) - Đến thời điểm hiện nay, có đến hơn 28 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư hiện chưa phân bổ được, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là nguyên nhân khách quan, không do phía các bộ, ngành, địa phương.

TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công
Nếu thời điểm hiện nay chưa phân bổ được vốn, thì việc thu hồi hoặc điều chuyển là hợp lý, bởi chỉ còn hơn 4 tháng nữa là hết năm, không thể giải ngân được số tiền này.
Sớm hoàn thành phân bổ vốn đầu tư công
Kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao là 470.600 tỷ đồng, bao gồm: vốn trong nước là 410.600 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 60.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 25/7, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ vốn đầu tư của 52/53 bộ, cơ quan trung ương (chỉ còn 1 đơn vị chưa phân bổ là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước - do đơn vị này trả lại vốn) và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 54/54 báo cáo phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia của các đơn vị, với tổng số vốn phân bổ là hơn 502.726 tỷ đồng, đạt 105,29% kế hoạch vốn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 477.460 tỷ đồng). Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 53.444 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã phân bổ là hơn 449.281 tỷ đồng, đạt 94,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Số vốn còn lại chưa phân bổ hơn 28.178 tỷ đồng, chiếm 5,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (chủ yếu là vốn trong nước với hơn 25.254 tỷ đồng). Trong đó số vốn chưa phân bổ cả cơ quan trung ương và địa phương xấp xỉ như nhau. Các bộ, cơ quan trung ương số vốn chưa phân bổ là hơn 14.183 tỷ đồng; con số này ở các địa phương là hơn 13.995 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, đến nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa phân bổ vốn kế hoạch năm 2020 và có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đề nghị hoàn trả lại ngân sách nhà nước số kế hoạch vốn năm 2020 đã được giao là 1,6 tỷ đồng. Lý do là đơn vị chưa thể triển khai được dự án trong năm 2020 vì chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và bố trí quỹ đất để thực hiện.
Số vốn còn lại chưa phân bổ có nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví như đối với vốn trong nước, một số dự án được bổ sung vốn từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa được cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch trung hạn nên chưa đủ điều kiện phân bổ hoặc mới được Thủ tướng Chính phủ giao, chưa kịp phân bổ. Một số các dự án chuẩn bị đầu tư, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 do chưa có hướng dẫn cụ thể về điều chỉnh bổ sung kế hoạch 2016 - 2020 nên chưa có cơ sở phân bổ...
Kiểm soát giải ngân theo từng dự án
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các tháng cuối năm, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, tổng hợp, báo cáo cẩp có thẩm quyền điều chỉnh; hoặc thu hồi kế hoạch vốn năm 2020 đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện bố trí vốn hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn số tiền hơn 28 nghìn tỷ đồng chưa phân bổ.
Bộ Tài chính, trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, cũng đã kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 về danh mục, mức vốn bố trí cho từng dự án để báo cáo Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính để kiểm soát việc giải ngân theo dự án.
Có thể nói, việc phân bổ vốn trong năm 2020 có nhiều cải thiện. Đây cũng là cơ sở để tạo điều kiện cho đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Có sớm phân bổ và giao chi tiết kế hoạch vốn, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án mới có cơ sở để thực hiện, nghĩa là phải có tiền mới triển khai được. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khi đã có vốn, khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2020 cho các dự án trước ngày 31/7/2020.
Qua rà soát sơ bộ, Bộ Tài chính thấy rằng, đa số các đơn vị phân bổ đúng cơ cấu vốn theo chương trình, theo nguồn vốn trong nước, ngoài nước. Tuy nhiên, còn một số tồn tại như: có địa phương phân bổ tổng số vốn theo từng chương trình mà chưa phân bổ chi tiết đến các đơn vị và chủ đầu tư; một số địa phương chưa phân bổ chi tiết theo nguồn vốn trong nước và ngoài nước; một số địa phương phân bổ vốn không đúng đối tượng…
Theo bà Mai Thị Thùy Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), năm nay các bộ, ngành, địa phương đã sớm phân bổ kế hoạch vốn. Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2020 đã phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ), do đó đây được cho là nguyên nhân giúp việc phân bổ vốn được cải thiện.
Thu hồi là hợp lý Với hơn 28 nghìn tỷ đồng chưa phân bổ, Bộ Tài chính kiến nghị điều chuyển hoặc thu hồi là hết sức hợp lý. Nếu phân tích kỹ ra, số vốn này chưa phân bổ được hoàn toàn là do khách quan, không ở phía các bộ, ngành, địa phương. Đến thời điểm này, nếu vốn chưa được phân bổ, thì việc triển khai dự án, có khối lượng hoàn thành để giải ngân được sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi”. Nếu tiền dành cho đầu tư phát triển, mà không hiệu quả, không đạt đúng mục đích của nó thì việc điều chuyển hoặc thu hồi là cần thiết. |
Minh Anh