Quy định về quản lý bảo hiểm tại Nhật Bản

Quy định về quản lý bảo hiểm tại Nhật Bản 20/03/2023 15:20:00 236

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Quy định về quản lý bảo hiểm tại Nhật Bản

20/03/2023 15:20:00

Quy định về quản lý bảo hiểm tại Nhật Bản

Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm Châu Á | 8/2022

Tóm tắt: Dưới đây là nội dung phát biểu của ông Shigeru Ariizumi, Phó Trưởng Ban phụ trách các vấn đề quốc tế của Cơ quan Giám sát Tài chính Nhật Bản (FSA) về một số vấn đề liên quan đến ngành bảo hiểm tại Nhật Bản, những thách thức và cơ hội mà các công ty bảo hiểm ở Nhật Bản phải đối mặt trong thế giới hậu COVID, các tác động của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu và điểm nhấn đáng chú ý trong bài phát biểu của ông là việc trong thời gian tới FSA sẽ ban hành các quy định mới về quản lý để áp dụng cho các doanh nghiệp bảo hiểm như thế nào.

 

Triển vọng kinh tế hiện tại và những thách thức mà các công ty bảo hiểm phải đối mặt

 

Triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã tiến triển nhanh chóng kể từ khi tôi được bổ nhiệm làm phó ủy viên phụ trách các vấn đề quốc tế tại Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) vào tháng 7 năm 2021.

 

Một mặt, có những dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể đang tiến gần hơn đến việc vượt qua đại dịch COVID-19, mặc dù châu Á có thể cần thêm thời gian. Mặt khác, chúng ta đang phải đối mặt với một loạt thách thức hoàn toàn khác, chẳng hạn như căng thẳng địa chính trị, lạm phát cao hơn, những hạn chế đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể gây rủi ro cho các hoạt động kinh tế trên quy mô toàn cầu.

 

Cho đến nay, hệ thống tài chính toàn cầu, bao gồm cả lĩnh vực bảo hiểm, đã vượt qua những thách thức này và vẫn ổn định và kiên cường trước những tác động tiêu cực. Nhưng cũng cần phải nói thêm một cách rõ ràng rằng cả công ty bảo hiểm và những người giám sát cần phải cảnh giác trước những diễn biến trong tương lai. Chúng ta cần cẩn thận đánh giá và điều chỉnh những tác động của các kịch bản khác nhau đối với hoạt động và tình hình tài chính của các công ty bảo hiểm một cách toàn diện và hướng tới tương lai.

 

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng chúng ta đang trải qua những thay đổi cấu trúc dài hạn, bao gồm nhưng không giới hạn ở: Tuổi thọ, đa dạng hóa lối sống và sở thích của người tiêu dùng, số hóa, biến đổi khí hậu và gia tăng thiên tai.

 

Bảo hiểm có thể đóng một vai trò trong việc tăng cường khả năng phục hồi của xã hội và nền kinh tế của chúng ta để thích ứng với những thay đổi như vậy - một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các cơ quan giám sát và công ty bảo hiểm về mô hình kinh doanh, quản trị và quản lý rủi ro của họ có thể hữu ích để giải quyết những thách thức như vậy.

 

Các chủ đề về chính sách áp dụng cho lĩnh vực bảo hiểm

Chế độ quản trị về khả năng thanh toán bảo hiểm

 

Tôi sẽ bắt đầu từ khía cạnh quốc tế. Kể từ khi công bố Tiêu chuẩn về Vốn bảo hiểm (ICS) phiên bản 2.0 vào tháng 11 năm 2019, Hiệp hội giám sát bảo hiểm quốc tế (IAIS) đã đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình hoàn thiện bộ tiêu chuẩn này trong hai năm qua, bất chấp những thách thức hoạt động do đại dịch COVID-19 gây ra.

 

Tháng 6 năm 2022, IAIS đã công bố một cuộc tham vấn cộng đồng về các tiêu chí dự thảo sẽ được sử dụng để đánh giá liệu Phương pháp tổng hợp (AM) [1] có mang lại kết quả tương đương với ICS hay không. Dự án ICS đang đi đúng hướng và chúng ta cần duy trì động lực này để hướng tới một cột mốc quan trọng khác được lên lịch vào năm tới, tức là ban hành gói tham vấn cộng đồng về ICS và triển khai việc đánh giá so sánh giữa ICS và AM.

 

Về mặt đối nội, vào tháng 6 năm 2022, FSA đã công bố đề cương tạm thời về tỷ lệ khả năng thanh toán mới dựa trên giá trị kinh tế (ESR), đặc biệt tập trung vào trụ cột 1 (đáp ứng theo quy định). Đề cương được công bố này kết hợp cấu trúc của ICS được đề xuất với một số điều chỉnh nhỏ, có xem xét đến việc sẽ áp dụng quy định mới cho tất cả các công ty bảo hiểm bao gồm cả những công ty không phải thuộc các Nhóm Bảo hiểm Hoạt động Quốc tế (IAIG) [2]. Chúng tôi dự kiến ​​giới thiệu bộ khung mới vào năm 2025 và sẽ đẩy nhanh thảo luận về các vấn đề còn lại, bao gồm điều chỉnh kỹ thuật cho trụ cột 1 cũng như thiết lập một khuôn khổ cho trụ cột thứ 2 (giám sát) và trụ cột thứ 3 (công bố thông tin).

 

Thiên tai

 

Trước sự gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là nhà bảo vệ trước những rủi ro đó.

 

Tuy nhiên, người ta thường chỉ ra rằng vẫn còn khoảng trống đáng kể về bảo vệ, điều này có thể trở nên rõ ràng hơn nếu mức phí bảo hiểm tăng lên do thiên tai ngày càng gia tăng. Giải quyết những lỗ hổng bảo vệ như vậy là một vấn đề chính sách có thể được thảo luận từ nhiều góc độ, chẳng hạn như quản lý rủi ro, định giá và thiết kế sản phẩm, cách tiếp cận và giải pháp tài chính toàn diện, và các vai trò tiềm năng của cả khu vực công và tư nhân. Tôi tin rằng đây là một chủ đề đáng được thảo luận tại các diễn đàn quốc tế khác nhau bao gồm cả IAIS.

 

Biến đổi khí hậu và tính bền vững

Tôi xin nói sơ qua về một số sáng kiến ​​của FSA về biến đổi khí hậu và tính bền vững.

 

Đầu tiên, vào tháng Bảy năm 2022, chúng tôi đã xuất bản phiên bản cuối cùng của bản Hướng dẫn Giám sát về Quản lý Rủi ro liên quan đến Khí hậu và Sự tham gia của Khách hàng. Nó sẽ đóng vai trò là cơ sở cho các cuộc đối thoại về giám sát với các tổ chức tài chính, bao gồm cả các công ty bảo hiểm, về việc quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu cũng như sự tham gia của họ cùng với khách hàng để hỗ trợ khách hàng ứng phó với các cơ hội và rủi ro liên quan đến khí hậu.

 

FSA cũng bắt đầu thực hiện thí điểm việc phân tích tình huống bằng cách sử dụng các kịch bản NGFS [3] làm kịch bản phổ biến cho một số tổ chức tài chính lớn, bao gồm ba tập đoàn bảo hiểm phi nhân thọ lớn. Chúng tôi cũng đã đạt được tiến bộ trong việc công bố thông tin liên quan đến khí hậu, yêu cầu một số công ty niêm yết phải công bố thông tin trên cơ sở 'tuân thủ hoặc giải thích' dựa trên các khuyến nghị của Cơ quan Đặc nhiệm về Công bố Thông tin Tài chính liên quan đến Khí hậu (TCFD). Chúng tôi cũng đang nỗ lực hướng tới việc tăng cường việc công bố các thông tin phi tài chính về các vấn đề có tính bền vững rộng lớn hơn.

 

Cuộc gặp toàn thể thường niên của IAIS 2023

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, FSA sẽ tổ chức Cuộc gặp toàn thể và Hội nghị thường niên của IAIS vào tháng 11 năm 2023. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên chúng tôi tổ chức sự kiện quan trọng nhất của IAIS với sự tham gia của hàng trăm người.

 

Đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để thảo luận và hiểu sâu hơn về các vấn đề bao gồm cả những vấn đề tôi đã đề cập ở trên. Tôi hy vọng nó cũng sẽ giúp tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan giám sát bảo hiểm cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác của chúng tôi với ngành bảo hiểm. Chúng tôi cam kết nỗ lực hết sức để cho sự kiện này thành công và đáng nhớ và mong được chào đón tất cả các bạn đến với Tokyo.

 

Ông Shigeru Ariizumi là Phó Trưởng Ban phụ trách các vấn đề quốc tế của Cơ quan Giám sát Tài chính Nhật Bản (FSA).

 

[1] Phương pháp tổng hợp (Aggregation Method - AM) là phương pháp tính toán và tổng hợp được sử dụng để nhóm các giá trị thuộc tính (attribute values) thành một số liệu cho từng giá trị thứ nguyên (dimension value).

 

[2] Với sự liên kết ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu, các công ty bảo hiểm đã mở rộng sự hiện diện toàn cầu của họ. Các Nhóm Bảo hiểm Hoạt động Quốc tế (Internationally Active Insurance Groups - “IAIGs”) là các hệ thống bao gồm các công ty có kinh doanh bảo hiểm hoạt động bảo hiểm ở nhiều khu vực pháp lý quốc gia đồng thời đáp ứng một số yêu cầu khác. Để quản lý các IAIG một cách hiệu quả, một cơ quan quản lý có thể đóng vai trò là người giám sát toàn nhóm đối với toàn bộ một nhóm IAIG trên nhiều khu vực pháp lý khác nhau trên thế giới.

[*] NGFS là viết tắt của The Network for Greening the Financial System - tạm dịch là Mạng lưới Xanh hóa Hệ thống Tài chính là một mạng lưới gồm 114 ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát tài chính của các nước nhằm mục đích thúc đẩy mở rộng quy mô tài chính xanh và đưa ra các khuyến nghị về vai trò của các ngân hàng trung ương đối với biến đổi khí hậu. NGFS được sáng lập vào năm 2017. Chủ tịch hiện tại của nó là ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Singapore.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%