Hiệp hội Geneva: Khởi nghiệp kỹ thuật số và vai trò hỗ trợ của bảo hiểm

Hiệp hội Geneva: Khởi nghiệp kỹ thuật số và vai trò hỗ trợ của bảo hiểm 03/12/2021 16:08:00 196

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hiệp hội Geneva: Khởi nghiệp kỹ thuật số và vai trò hỗ trợ của bảo hiểm

03/12/2021 16:08:00

 Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm Châu Á | Tháng 10 năm 2021

Người biên dịch: Hà Vũ Hiển

Số hóa đang thay đổi cơ bản cách thức hình thành và hoạt động của các doanh nghiệp. Ông Darren Pain của Hiệp hội Geneva cho biết, đây không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn phản ánh những thay đổi trong cách mà các doanh nghiệp mới hợp tác, thiết kế và triển khai các sản phẩm và dịch vụ mới.

Các nền tảng trực tuyến và các giao diện lập trình ứng dụng có liên quan (Application Programming Interface - API) là kiến trúc thiết yếu của hệ sinh thái khởi nghiệp kỹ thuật số mới. Các doanh nhân kỹ thuật số là các kỹ sư của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số này, và bảo hiểm cũng là một yếu tố quan trọng cho phép họ tập trung vào các thách thức tài chính và thương mại mà không sợ những hậu quả tiêu cực của việc gián đoạn hoạt động, .

Doanh nhân kỹ thuật số là ai?

Khác với người dùng các nền tảng, các doanh nhân kỹ thuật số sản xuất và kinh doanh đồ tạo tác kỹ thuật số (digital artifacts) - các mặt hàng được lưu trữ trên các phương tiện kỹ thuật số / điện tử cung cấp chức năng và giá trị cho người dùng cuối. Các doanh nhân truyền thống bán hàng trực tuyến hoặc các nhà thầu độc lập ví dụ như lái taxi như một phần của nền tảng gọi xe không tạo ra các đồ tạo tác kỹ thuật số, họ chỉ sử dụng chúng để tạo thuận tiện cho kinh doanh. Đồng thời, những người phát triển đồ tạo tác kỹ thuật số không phải lúc nào cũng là doanh nhân. Các cá nhân có thể lưu trữ và chia sẻ mã hoặc kiến thức phần mềm (thông qua các nền tảng như GitHub hoặc Wikipedia) mặc dù động cơ của họ thường không phải là để khai thác cơ hội lợi nhuận hoặc phát triển ý tưởng hoặc khái niệm đó thành một hoạt động kinh doanh.

Các doanh nhân kỹ thuật số nói chung có thể được phân loại thành ba nhóm:

  • Chủ sở hữu các nền tảng kỹ thuật số, cả mới và đã được thiết lập rồi
  • Các nhà phát triển ứng dụng công nghệ - các công ty sản xuất phần cứng hoặc phần mềm mới cho máy tính hoặc thiết bị di động (thường được phân phối thông qua một nền tảng hiện có)
  • Các doanh nhân - nhân viên của một công ty đang hoạt động mà các công ty này phát triển các đổi mới kỹ thuật số bên trong tổ chức đó (ví dụ: một mô hình kinh doanh nền tảng mới).

Khởi nghiệp kỹ thuật số hoạt động tích cực nhất ở đâu?

Các nền kinh tế tiên tiến lớn dẫn đầu thế giới về khởi nghiệp kỹ thuật số cũng là nơi cơ sở hạ tầng về vật chất, tài chính và giáo dục phát triển mạnh. Bắc Mỹ và Châu Âu xếp hạng cao nhất về hệ sinh thái nền tảng mới. Nhưng các nền kinh tế đang phát triển cũng đang bắt kịp nhanh chóng với sự xuất hiện của các trung tâm khởi nghiệp trong khu vực và tốc độ phát triển nhanh chóng của các công ty kỹ thuật số mới, đặc biệt là những công ty triển khai công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và robot. Theo đánh giá của công ty nghiên cứu Startup Genome thì điều này đặc biệt đúng ở Châu Á Thái Bình Dương hiện đang chiếm gần một phần ba hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới. Nhìn chung, nền tảng hóa đang lan rộng ra ngoài các công ty mới thành lập - đó là những công ty ngày càng sử dụng mô hình kinh doanh 'dịch vụ mọi thứ' và tính phí sử dụng sản phẩm thay vì bán sản phẩm đó.

Hình 1: Tỷ trọng của các hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu trên toàn cầu, theo khu vực *

* Dựa trên bảng xếp hạng toàn cầu của khoảng 40 trung tâm khởi nghiệp.

Nguồn:: Startup Genome 2020

Xác định bối cảnh đang tiến triển về rủi ro kinh doanh

Hệ quả quan trọng của các mô hình kinh doanh kỹ thuật số mới là sự thay đổi về nguồn giá trị chính của doanh nghiệp. So với một doanh nghiệp truyền thống, một công ty kỹ thuật số thường sẽ sở hữu tương đối ít tài sản vật chất và sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn từ các tài sản vô hình như vốn con người, phần mềm và tài sản trí tuệ (IP). Trong khi sự gia tăng của các công ty BigTech là biểu hiện của sự thay đổi này, thì hiện tượng này có tính phổ cập hơn. Tỷ trọng đầu tư vô hình trong tổng đầu tư kinh doanh của Hoa Kỳ đã tăng đáng kể, từ dưới 15% vào đầu những năm 1980 lên hơn 35% vào năm 2020.

Nói chung, tài sản vô hình của một doanh nghiệp phản ánh sự đóng góp của con người, cả nhân viên và người sáng lập (vốn con người), mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp (vốn quan hệ), và mọi thứ còn lại khi nhân viên về nhà, bao gồm cả phần mềm và IP (cấu trúc vốn). Đối với các doanh nghiệp bản địa kỹ thuật số (digitally-native)  có mô hình kinh doanh chủ yếu hoặc hoàn toàn trực tuyến, việc sử dụng nhiều phần mềm và nội dung do người dùng tạo ra nhằm hỗ trợ các nền tảng và trang web của họ là tuyệt đối quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ.

Tuy nhiên, các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của những thứ vô hình rất phức tạp và không phải lúc nào cũng được hiểu đầy đủ. Chúng bao gồm những thứ làm tăng giá cũng như các nghĩa vụ của công ty và những sự cố bất ngờ xảy ra làm suy giảm giá trị ròng của công ty (nghĩa là các khoản nợ vô hình như mất danh tiếng hoặc điều kiện làm việc không an toàn hoặc sản phẩm gây thương tích cho nhân viên hoặc khách hàng và dẫn đến các khiếu nại pháp lý có thể xảy ra). Các trách nhiệm pháp lý vô hình bao gồm các nghĩa vụ tiềm ẩn và những sự cố bất ngờ dẫn đến mất uy tín, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, yêu cầu bồi thường thiệt hại từ những người sử dụng nền tảng / phần mềm hoặc vi phạm an ninh mạng / quyền riêng tư.

Rủi ro vô hình rất khó định lượng, một phần là do môi trường pháp lý và kiện tụng chi phối sự hoạt động của các công ty kỹ thuật số vẫn còn đang định hình. Tuy nhiên, nếu chúng kết tụ lại thì rốt cuộc một số trong những thứ đó có thể đe dọa khả năng tồn tại của một công ty. Hơn nữa, một số rủi ro nhất định có thể tiềm ẩn, đặc biệt là khi một số rủi ro vô hình không được ghi nhận trong các báo cáo tài chính chính thức, làm tăng thêm thiệt hại có thể xảy ra trước khi các biện pháp khắc phục được thực hiện.

Nâng cấp bảo hiểm

Không phải tất cả các rủi ro đều có thể bảo hiểm được, đặc biệt là bởi vì một số rủi ro kinh doanh là không thể định lượng được và phần lớn là không thể đa dạng hóa và tốt nhất là để các nhà đầu tư của các công ty tự gánh chịu. Tuy nhiên, bảo hiểm có một lịch sử lâu dài trong việc điều chỉnh các giải pháp của nó để giúp các doanh nhân đối phó với những thất bại bất ngờ trong hoạt động. Theo thời gian, ranh giới của rủi ro về năng lực bảo hiểm sẽ thay đổi, một phần do hành động của chính các doanh nhân, và khi các dữ liệu đáng tin cậy giúp biến những điều không chắc chắn thành rủi ro có thể bảo hiểm được. Do đó, các chính sách về trách nhiệm thương mại cũng như các loại bảo hiểm như bảo hiểm mạng và IP sẽ phát triển để đối phó với một số rủi ro vô hình mới. Các cuộc khảo sát của Aon / Ponemon cho thấy chưa đến 20% tài sản vô hình được bảo hiểm - cho thấy mức độ thiếu hụt về bảo hiểm còn khá lớn.

Các doanh nghiệp nhỏ nói riêng không được ngành bảo hiểm chú ý tới. Theo một cuộc khảo sát của Hoa Kỳ, 44% doanh nghiệp nhỏ đã hoạt động ít nhất một năm chưa bao giờ có bảo hiểm. Mặc dù thực tế là gần một nửa số doanh nghiệp này đã không có bất kỳ cơ chế nào khác để giúp giảm thiểu rủi ro. Điều đó có thể phản ánh nhu cầu bảo hiểm của các doanh nhân còn ở mức hạn chế, có lẽ vì họ xem nhẹ quy mô và tầm quan trọng của một số rủi ro, đặc biệt là những rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Trong một cuộc khảo sát khác, hơn một phần ba số doanh nghiệp nhỏ đã trải qua một sự kiện có thể dẫn đến một yêu cầu đòi bảo hiểm bồi thường. Tốc độ thành lập và phát triển ở mức cao của các doanh nghiệp kỹ thuật số, cũng như môi trường pháp lý đang thay đổi và chuyên môn quản lý rủi ro còn hạn chế, có thể càng khuyến khích những điểm mù như vậy phát triển.

Do đó, các sáng kiến của các nhà bảo hiểm nhằm nâng cao nhận thức về những rủi ro mới nổi và lợi ích của bảo hiểm sẽ giúp thúc đẩy khả năng phục hồi của các công ty kỹ thuật số mới. Đặc biệt, các nhân viên bảo hiểm có chuyên môn sâu, những người hiểu rõ nhu cầu bảo vệ rủi ro của các công ty khởi nghiệp cũng như các đơn bảo hiểm được thiết kế rõ ràng, đơn giản hơn sẽ nâng cao giá trị nhận thức của bảo hiểm.

Bên cạnh các sáng kiến có tính chất tiếp thị như vậy, các nhà bảo hiểm cần theo đuổi các cách để làm rõ hơn ý tưởng về giá trị của bảo hiểm thông qua:

Đổi mới sản phẩm - bảo hiểm tham số có thể đặc biệt phù hợp khi tổn thất phát sinh do thiếu khả năng tiếp cận hoặc sự kém hiệu quả của sản phẩm / dịch vụ hơn là thiệt hại về vật lý. Các ví dụ bao gồm bảo vệ trước rủi ro về danh tiếng dựa trên các chỉ số đặt trước, các bảo đảm được bảo hiểm hỗ trợ đối với phần mềm AI và bảo hiểm gián đoạn kinh doanh cho sự cố ngừng hoạt động của đám mây / IT. Các nhà bảo hiểm cũng có thể hỗ trợ các công ty thông qua các dịch vụ giá trị gia tăng hoặc bằng cách đảm bảo giá trị của các tài sản vô hình được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay hoặc bảo vệ các nhà đầu tư chống lại việc gian lận liên quan đến việc huy động vốn từ cộng đồng.

Đổi mới quy trình – việc bảo lãnh phát hành tự động và phân phối hợp lý, bao gồm việc thông qua quan hệ đối tác với InsurTechs và hợp tác với các doanh nhân để thu thập và phân tích các dữ liệu quan trọng sẽ tạo điều kiện để có được phạm vi bảo hiểm linh hoạt và có thể tùy chỉnh cho các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số.

Đổi mới tổ chức - việc cấu hình lại các mô hình kinh doanh của các công ty bảo hiểm để nắm bắt các giao thức lập trình ứng dụng (API) sẽ cho phép họ kết nối tốt hơn với các nền tảng kỹ thuật số và thu thập thông tin liên quan đến doanh nghiệp. Điều này sẽ phát hiện ra các cơ hội có ý nghĩa để tạo ra các mô hình hiệu chuẩn rủi ro có độ tỉ mỉ cao và nhận ra các cơ hội bảo hiểm mới thu hút các doanh nhân kỹ thuật số./.

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%