Hệ thống tài chính ngân hàng năm 2020: Nâng cao năng lực giám sát rủi ro, xử lý khủng hoảng

Hệ thống tài chính ngân hàng năm 2020: Nâng cao năng lực giám sát rủi ro, xử lý khủng hoảng 10/01/2020 10:56:00 923

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hệ thống tài chính ngân hàng năm 2020: Nâng cao năng lực giám sát rủi ro, xử lý khủng hoảng

10/01/2020 10:56:00

Hệ thống tài chính ngân hàng năm 2020: Nâng cao năng lực giám sát rủi ro, xử lý khủng hoảng

(TBTCVN) - Bất chấp những biến động, rủi ro trên thị trường thế giới, thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam kết thúc năm 2019 với những thành quả tích cực, tạo “tấm đệm dày hơn” để tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

nh

Hệ thống tài chính vẫn còn mất cân đối khi vốn ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn

Tuy nhiên những thách thức, tồn tại của hệ thống vẫn còn không ít, đặc biệt là về mặt hoàn thiện thể chế, giám sát, quản lý rủi ro, đòi hỏi chúng ta phải tập trung khắc phục để ứng phó tốt hơn trước bất ổn của tình hình năm 2020.

Rủi ro hệ thống chưa được kiểm soát chặt chẽ

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2019, hệ thống ngân hàng đã đạt những thành quả rất quan trọng như: Nhiều ngân hàng áp dụng chuẩn mực Basel 2, chất lượng tài sản tăng ổn định biểu hiện bằng tỷ lệ nợ xấu giảm đều đặn. Khả năng sinh lời được cải thiện đáng kể, thanh khoản hệ thống khá ổn định, quản trị ngân hàng có những tiến bộ đáng khích lệ… Nền tảng tài chính được cải thiện đã tạo điều kiện cho nhiều ngân hàng thương mại tăng vốn tự có, tiệm cận với chuẩn mực Basel 2. Một số ngân hàng có khả năng sinh lời cao có thể đạt được chỉ tiêu “đệm tài chính”, có khả năng chống chịu rủi ro tốt hơn với các cú sốc từ bên ngoài. 

Tuy nhiên, những thách thức, tồn tại đối với hệ thống tài chính là không ít. Trước hết, theo các chuyên gia, rủi ro lớn nhất là tác động từ bên ngoài. Xu hướng suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đáng kể đển kinh tế trong nước, bao gồm cả hệ thống tài chính, do Việt Nam là nước có độ mở lớn, quy mô xuất khẩu đạt gấp đôi quy mô GDP. Chính sách nới lỏng tiền tệ ở nhiều nước có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát hoặc bong bóng tài sản thời gian tới.

Về nội tại, TS. Cấn Văn Lực – cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng, hệ thống tài chính vẫn còn mất cân đối khi vốn ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn. Thể chế hệ thống tài chính còn một số bất cập cần sớm hoàn thiện như chưa có nghị định về thị trường mua bán nợ trong bối cảnh cần đa dạng hoá nhà đầu tư; việc xử lý nợ xấu còn một số vướng mắc về giải quyết tranh chấp…; chưa có khung pháp lý quản lý giám sát tập đoàn tài chính; một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số chưa có hành lang pháp lý… 

Việc giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống còn bất cập chủ yếu gồm: giám sát, ổn định tài chính tiền tệ do nhiều nơi đảm trách; vai trò của Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia và Bảo hiểm tiền gửi còn mờ nhạt; rủi ro hệ thống chưa được kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ, chưa có cơ chế xử lý khủng hoảng; hoạt động thanh tra giám sát chủ yếu theo phương thức giám sát hành chính, giám sát trên cơ sở rủi ro chưa nhiều; văn bản pháp quy còn thiếu tính nhất quán, thiếu cơ chế chia sẻ thông tin; chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh. 

Tăng tính độc lập của NHNN và các cơ quan thanh tra, giám sát

Trong năm 2020, thị trường tài chính Việt Nam sẽ có một số xu hướng nổi bật như quy định pháp lý sẽ ngày càng hoàn thiện và theo hướng chặt chẽ hơn khi các luật mới được thực thi. Xu hướng tái cơ cấu các định chế tài chính được đẩy mạnh bởi đây là năm chốt thực hiện các đề án, kế hoạch 5 năm như kế hoạch về kinh tế xã hội, Đề án về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm… Xu hướng phát triển tài chính số sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Áp lực cạnh tranh gia tăng từ cả trong và ngoài nước… 

Trong bối cảnh đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV kiến nghị, trước hết cần khẩn trương hoàn thiện thể chế hệ thống tài chính, trong đó cần tập trung ban hành nghị định về thị trường mua bán nợ, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Đồng thời, sửa Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo hướng tăng dần tính độc lập của NHNN, sửa Luật các Tổ chức tín dụng nhằm tăng tính tự chủ, tính thị trường và minh bạch của các tổ chức tín dụng, qua đó tiếp tục giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo, “sân trước, sân sau” và bổ sung quy định mới cho ngân hàng đầu tư, bancassurance cũng như phù hợp cam kết hội nhập. Cùng với đó, sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng như hạn mức đền bù cho phù hợp tình hình mới…; bổ sung luật chi phối hoạt động quản lý, giám sát tập đoàn tài chính, một số mô hình kinh doanh mới theo hướng tạo điều kiện song vẫn đảm bảo kiểm soát rủi ro…

Vấn đề cần chú trọng nữa là nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính – tiền tệ. Theo đó, cụ thể hoá lộ trình và giải pháp thực hiện Luật Chứng khoán mới, Quyết định 986 của Thủ tướng về chiến lược phát triển ngành ngân hàng, Quyết định 242 của Chính phủ về tái cơ cấu thị trường chứng khoán và bảo hiểm. Chúng ta cần xây dựng kế hoạch hướng tới một ngân hàng trung ương độc lập, hiện đại hơn; các cơ quan quản lý, giám sát (như Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm…) cần được độc lập và trao quyền nhiều hơn; chú trọng xây dựng mô hình quản lý – giám sát rủi ro hệ thống, mô hình ổn định tài chính – tiền tệ, xử lý khủng hoảng; làm rõ và tăng vai trò của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Bảo hiểm tiền gửi… Đồng thời, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các định chế tài chính…

Theo TS.Trịnh Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB, bối cảnh hoạt động tiền tệ ngân hàng đang thay đổi nhanh chóng. Sức ép từ bên ngoài đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là từ Mỹ, khiến chủ trương, định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm tới có thể cần có những điều chỉnh nhất định cho phù hợp hơn với diễn biến kinh tế vĩ mô, bảo đảm tương thích với sự điều chỉnh chính sách tài khóa và các công cụ vĩ mô khác. Theo đó, khung khổ điều hành chính sách tiền tệ cũng cần thay đổi theo một lộ trình có cam kết, có thể là: giảm can thiệp thị trường ngoại tệ, cho phép tỉ giá linh hoạt hơn, hướng nhiều hơn tới việc điều hành lãi suất. 

H.Y