TS. Nguyễn Đình Cung: “Thị trường thiếu nguồn cung với khoản vay nhỏ"
Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng hiện nay đang thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay có giá trị nhỏ (50 triệu đồng), khiến các hộ gia đình, cá nhân tiếp cận tín dụng tiêu dùng chính thức còn hạn chế.
Tình trạng tín dụng đen với lãi suất cắt cổ đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong xã hội trong thời gian qua. Thủ đoạn của các băng nhóm hết sức manh động gồm giả danh công an đi xe gắn số 113 vào buôn làng đòi nợ, lãi suất cắt cổ 365%/năm, đổ chất thải, chất bẩn để đe dọa người thân, không cho con nợ trả nợ gốc mà cả đời “è cổ” trả lãi...
Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là nhu cầu vay tiền của người dân rất lớn, nhưng nhiều người chưa được tiếp cận được tín dụng chính thức.
TS. Nguyễn Đình Cung dẫn chứng kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam năm 2014, tỷ lệ người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có ít nhất một khoản vay trong vòng 1 năm trở lại đây là 46,8%, tuy nhiên, tỷ lệ người có khoản vay tại các tổ chức tài chính chính thức chỉ ở mức 18,4%.
Đáng chú ý, 20,9% người tham gia cuộc khảo sát cho biết không thể tiếp cận bất cứ hình thức tín dụng nào khi có các nhu cầu tài chính khẩn cấp.
“Có khi người nông dân chỉ cần khoản tiền nhanh trong 15 ngày, nếu vay được ngay thì người dân không cần bán lúa non. Tuy nhiên, ngân hàng, các tổ chức tín dụng có quy mô lớn sẽ bỏ qua phân khúc khách hàng với khoản vay nhỏ này vì chi phí cao, lợi nhuận thấp. Trong khi đó, thực tế số lượng khách hàng có nhu cầu này lớn. Vì vậy, cần khuyến khích loại hình kinh doanh mới để lấp khoảng trống này của thị trường.
Để giúp người dân tiếp cận nguồn tín dụng chính thức, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Cần đổi mới tư duy, cần nhìn hộ gia đình như thành tố quan trọng không thể thiếu trong nền kinh tế, các hộ gia đình đều là khách hàng tiềm năng, cần hệ thống đáp ứng nhu cầu đa dạng, đầy đủ của họ. Nên nhanh chóng có khung pháp lý (sandbox) cho các phương thức kinh doanh mới phi truyền thống như cho vay ngang hàng, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt…để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân”.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, sự nổi lên của tầng lớp thu nhập trung bình ở Việt Nam trong thập niên qua đã kéo theo thay đổi đáng kể về hành vi tiêu dùng. Không nhất thiết phải “tiết kiệm trước, tiêu sau” mà có thể là “vay mua trước, trả sau”. Như vậy, cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu chi tiêu/tiêu dùng hiện đại, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng hiện đại, tổ chức tài chính chính thức, giúp người dân có thêm lựa chọn thay vì tìm đến tín dụng phi chính thức.
Các chuyên gia cho rằng việc phát triển tín dụng tiêu dùng là giải pháp tốt để góp phần đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen.
“Trong một hai năm trở lại đây có thể thấy thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam cũng đã có những xu hướng phát triển rất sát với thị trường thế giới với sự xuất hiện của các mô hình cho vay trực tuyến, các mô hình cho vay ngang hàng được cung cấp bởi các công ty Fintech. Mặc dù vậy, cũng có thể thấy rằng, quy mô của nhóm này vẫn còn rất nhỏ bé”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, cần mở rộng thị trường, chính thức hóa khu vực phi chính thức, làm sao khuyến khích các loại hình kinh doanh mới có thể chấp nhận và cung cấp dịch vụ tài chính cho người tiêu dùng, trong đó có cho vay tiêu dùng. Cần có các giải pháp chấn áp tín dụng đen để mang lại niềm tin cho thị trường.
Theo Lan Hương
Lao động