Tổng quan thị trường bảo hiểm 3 tháng đầu năm 2015

Tổng quan thị trường bảo hiểm 3 tháng đầu năm 2015 15/05/2015 14:47:00 1487

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tổng quan thị trường bảo hiểm 3 tháng đầu năm 2015

15/05/2015 14:47:00

Bảo hiểm phi nhân thọ

Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 7.542 tỷ đồng, tăng 10,69% so với cùng kỳ năm 2014. Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc là PVI với doanh thu ước đạt 1.662 tỷ đồng, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 22,04% thị phần. Tiếp đến là Bảo Việt với doanh thu ước đạt 1.388 tỷ đồng, giảm 2,48% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 18,40% thị phần, Bảo Minh đứng thứ ba với doanh thu ước đạt 744 tỷ đồng, tăng 4,86% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 9,86% thị phần, PJICO đứng thứ tư với doanh thu ước đạt 535 tỷ đồng, tăng 8,85% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 7,09%  thị phần, PTI đứng thứ năm với doanh thu ước đạt 529 tỷ đồng, giảm 11,12% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 7,02% thị phần.

Ngoài các DNBH dẫn đầu thị trường nêu trên, một số DNBH có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 50% so với cùng kỳ năm 2014 như VASS (248 tỷ đồng, tăng 6,28 lần), Phú Hưng (12 tỷ đồng, tăng 2,46 lần), VBI (87 tỷ đồng, tăng 2,39 lần), ACE (26 tỷ đồng, tăng 2,15 lần), MIC (344 tỷ đồng, tăng 63,91%).

Một số DNBH khác có doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm 2013 là AAA (53 tỷ đồng, giảm 59%), VNI (69 tỷ đồng, giảm 10,7%), GIC (125 tỷ đồng, giảm 5,5%), Liberty (114 tỷ đồng, giảm 4%).

Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (2.336 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,98%), tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người (1.606 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,29%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (1.390 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,43%), bảo hiểm cháy nổ (649 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,61%), bảo hiểm thân tàu và TNDS của chủ tàu (616 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,16%).

Bồi thường

Số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 2.804 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 37,17%, cao hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2014 (33,24%).

19/30 DNBH có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 11 DNBH còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 6 DNBH tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc trên 50% là UIC (203,33%), Cathay (136,85%), Phú Hưng (89,8%), BSH (60,31%), Fubon (58,14%), Liberty (56,65%). Tỷ lệ thực bồi thường của UIC cao là do năm 2015 bắt đầu thanh toán dần cho 2 vụ cháy lớn trong năm 2014 là vụ cháy Nhà máy mực in Sakata ở Bình Dương vào tháng 9/2014, ước số tiền bồi thường là 150 tỷ đồng và vụ cháy nhà kho Công ty Nippon Express ở Nội Bài, Hà Nội vào tháng 10/2014, ước số tiền bồi thường là 230 tỷ đồng. Tỷ lệ thực bồi thường của Cathay cao là do tháng 3/2015, Cathay đã bồi thường cho Công ty cổ phần Công nghiệp Đông Hưng trong vụ việc xảy ra tại Bình Dương vào ngày 13/5/2014 với số tiền 9,9 tỷ đồng.

Bảo hiểm nhân thọ

Tình hình khai thác mới

Doanh thu phí khai thác mới 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 2.084,84 tỷ đồng, tăng 41,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí của nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất 43,06%, bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 40,1%, bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 5%, bảo hiểm hưu trí chiếm tỷ trọng 2,2%, các nghiệp vụ còn lại (trọn đời, sinh kỳ, trả tiền định kỳ) chiếm tỷ trọng 0,17% và sản phẩm bổ trợ chiếm tỷ trọng 9,46%.

Số lượng hợp đồng khai thác mới (hợp đồng bảo hiểm chính) ước đạt 300.253 hợp đồng, tăng 40,97% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, bảo hiểm tử kỳ là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,13%), tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (30,86%) và bảo hiểm liên kết đầu tư (25,68%), các sản phẩm còn lại chiếm tỷ trọng 0,5%.

Về thị phần doanh thu khai thác mới: Nhóm dẫn đầu thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới bao gồm: Bảo Việt Nhân thọ (22,88%), tiếp đến là Prudential (22,34%), Manulife (12,84%), AIA (12,12%), Dai-ichi (9,56%), Generali (5,34%), ACE (4,41%). Các doanh nghiệp chiếm thị phần nhỏ: Hanwha Life (3,01%), PVI (2,66%), Prévoir (2,58%), Aviva (0,31%), Cathay (0,73%). Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần doanh thu phí 1,22%.

 Hợp đồng có hiệu lực

Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 6.838,34 tỷ đồng (tăng 29,15% so với năm 2014). Số lượng hợp đồng có hiệu lực (theo hợp đồng chính) ước đạt 5.826.036 hợp đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm đến hết tháng 3/2015 của các doanh nghiệp cụ thể như sau: Prudential 29,9%, Bảo Việt Nhân thọ 29%, Manulife 11,7%, AIA 9,9%, Dai-ichi 8%, ACE 3,9%, Hanwha Life 1,9%, Generali 1,7%, Prévoir 1,6%, các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ không đáng kể.

Môi giới bảo hiểm

Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm Quý I năm 2015 ước đạt 1.610 tỷ đồng (trong đó, môi giới bảo hiểm gốc đạt 904 tỷ đồng, môi giới tái bảo hiểm đạt 706 tỷ đồng), tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014.

Phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới chủ yếu tập trung ở nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (chiếm 57,2% tổng số phí thu xếp qua môi giới), bảo hiểm chăm sóc sức khỏe (chiếm 22,4%).

Thị phần phí bảo hiểm thu xếp tập trung chủ yếu ở 3 doanh nghiệp (Aon, Gras, Marsh), chiếm 88,2%; khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (5 doanh nghiệp) chiếm 93,1%, khối các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 6,9%.

 Hoa hồng môi giới bảo hiểm Quý I năm 2015 ước đạt 119 tỷ đồng (trong đó, hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc đạt 110 tỷ, hoa hồng môi giới tái bảo hiểm đạt 9 tỷ đồng), tăng 3% so với cùng kỳ năm 2014.

Thị phần hoa hồng môi giới bảo hiểm cũng tập trung chủ yếu ở 3 doanh nghiệp (Aon, Marsh, Gras) chiếm 78,6%, khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 86%, khối các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 14%.

 Kết quả kinh doanh và tình hình tài chính        

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp MGBH (bao gồm cả doanh thu từ hoa hồng môi giới bảo hiểm, hoạt động tài chính và thu nhập khác) Quý I năm 2015 ước đạt 121 tỷ đồng, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thị phần của khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 87%, khối các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 13%.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại 31/3/2015 ước đạt 565 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng thời điểm năm 2014.

Nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại 31/3/2015 ước đạt 180 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng thời điểm năm 2014.