Bảo hiểm phi nhân thọ
Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 8 tháng đầu năm 2014 ước đạt 17.668 tỷ đồng, tăng 10,09% so với cùng kỳ năm 2013. Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc là PVI với doanh thu ước đạt 4.234 tỷ đồng, tăng 9,02% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 23,97% thị phần. Tiếp đến là Bảo Việt với doanh thu ước đạt 3.436 tỷ đồng, giảm 0,04%, chiếm 19,45% thị phần, Bảo Minh đứng thứ 3 với doanh thu ước đạt 1.720 tỷ đồng, tăng 16,85%, chiếm 9,74% thị phần, PJICO đứng thứ 4, doanh thu ước đạt 1.306 tỷ đồng, tăng 4,83%, chiếm 7,39% thị phần, PTI đứng thứ 5, doanh thu ước đạt 974 tỷ đồng, tăng 9,61%, chiếm 5,51% thị phần.
Ngoài các DNBH dẫn đầu thị trường nêu trên, một số DNBH có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 50% so với cùng kỳ năm 2013 như Phú Hưng (17 tỷ đồng, tăng 1,6 lần), VBI (129 tỷ đồng, tăng 0,7 lần).
Một số DNBH khác có doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm 2013 là ACE (46 tỷ đồng, giảm 22,02%), VNI (202 tỷ đồng, giảm 19,01%), XTI (115 tỷ đồng, giảm 5,18%), VASS (158 tỷ đồng, giảm 5%).
Biểu đồ 1: Doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 8 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013
Biểu đồ 2: Thị phần theo doanh thu phí bảo hiểm gốc 8 tháng đầu năm 2014
Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (4.926 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (4.105 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23%), bảo hiểm sức khỏe (3.349 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19%), bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (1.607 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9%).
Biểu đồ 3: Tỷ trọng doanh thu theo nghiệp vụ bảo hiểm 8 tháng đầu năm 2014
Số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 8 tháng đầu năm 2014 ước đạt 6.501 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 36,8% thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2013 (5,69%).
19/29 DNBH có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 10 DNBH còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 7 DNBH tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc trên 50% là Fubon (145,06%), MSIG (83,34%), GIC (74,74%), Cathay (67,14%), XTI (55,99%), Liberty (51,95%), BVTM (51,31%).
Bảo hiểm nhân thọ
Tình hình khai thác mới
- Doanh thu phí khai thác mới 8 tháng đầu năm 2014 ước đạt 5.045 tỷ đồng, tăng 23,72% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, một số doanh nghiệp tập trung phát triển các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ. Doanh thu phí và số lượng hợp đồng bảo hiểm bổ trợ có tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 8, doanh thu phí của các hợp đồng bảo hiểm bổ trợ chiếm khoảng 8,8% doanh thu phí khai thác mới (cùng kỳ năm ngoái là 7,6%) và bình quân một hợp đồng bảo hiểm chính được bán cùng với 1,92 hợp đồng bảo hiểm bổ trợ (cùng kỳ năm ngoái là 1,83 hợp đồng bổ trợ/01 hợp đồng chính). Các doanh nghiệp có kết quả khai thác hợp đồng bảo hiểm bổ trợ (về số lượng hợp đồng) cao hơn mức bình quân thị trường là Prudential (2,88 hợp đồng bổ trợ/01 hợp đồng chính), Dai-ichi (2,81 hợp đồng bổ trợ/01 hợp đồng chính), AIA (2,4 hợp đồng bổ trợ/01 hợp đồng chính).
Trong 8 tháng đầu năm 2014, phí bảo hiểm bình quân khai thác trong tháng ước đạt 630 tỷ đồng/tháng (tăng 24,0% so với cùng kỳ năm 2013). Tính riêng tháng 8/2014, các doanh nghiệp có doanh thu phí khai thác cao trên 100 tỷ đồng/tháng là BVNT, Prudential và AIA.
Biểu đồ 4: Phí bảo hiểm khai thác trong tháng 7 và tháng 8 năm 2014
Đơn vị: Triệu đồng
- Số lượng hợp đồng khai thác mới (hợp đồng bảo hiểm chính) ước đạt 728.342 hợp đồng, trong đó bảo hiểm tử kỳ là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (35%), tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (33,7%) và bảo hiểm liên kết chung (30,4%), các nghiệp vụ còn lại có thị phần 0,9%.
Biểu đồ 5: Tỷ trọng hợp đồng KTM 8 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013
- Tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới chủ yếu vẫn là bảo hiểm hỗn hợp chiếm 48,29%, bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm 47,12%, bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng chiếm 3,02%, các sản phẩm còn lại chiếm 1,57%.
- Chất lượng hợp đồng khai thác mới: Phí bảo hiểm bình quân hợp đồng khai thác mới ước đạt 6,33 triệu đồng. Phí bình quân của một hợp đồng hỗn hợp ước đạt 9,07 triệu đồng, của một hợp đồng liên kết chung ước đạt 9,81 triệu đồng, hợp đồng tử kỳ ước đạt 0,55 triệu đồng. Các doanh nghiệp có phí bảo hiểm bình quân/1 hợp đồng khai thác mới cao là Bảo Việt, ACE, Dai-ichi, AIA, Manulife, Aviva.
- Về thị phần doanh thu khai thác mới: Nhóm dẫn đầu thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới dự kiến như sau: Bảo Việt nhân thọ (25,8%), Prudential (24,1%), tiếp đến là Manulife (11,5%), AIA (11,2%); Dai-ichi (10,8%), ACE (6,0%). Các doanh nghiệp chiếm thị phần nhỏ: Generali và Prévoir cùng ở mức 2,5%, Hanwha Life (2,4%), các doanh nghiệp còn lại có thị phần dưới 1%.
Hợp đồng có hiệu lực
Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 8 tháng đầu năm 2014 ước đạt 16.084 tỷ đồng (tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2013).
- Số lượng hợp đồng có hiệu lực (theo hợp đồng chính) ước đạt 5.428.336 hợp đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng đa số (53,2%), sản phẩm tử kỳ (25,1%), tiếp đến là sản phẩm liên kết đầu tư (21,3%), các sản phẩm còn lại chiếm 1,3%.
- Về thị phần doanh thu phí: đến hết tháng 8/2014, thị phần doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp nhìn chung không có sự thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm 2013. Thứ tự cụ thể như sau: Prudential 31,9%, Bảo Việt nhân thọ 29,4%, Manulife 11,7%, AIA và Dai-ichi ở mức 8,6%, ACE 4,7%, Hanwha Life 1,5%, Prévoir 1,3%, các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ không đáng kể.