Trong ba ngày (ngày 17 - 19/8), Đoàn công tác do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chủ trì phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm đã có các buổi làm việc với UBND, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông để bàn giải pháp tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp cho các địa phương theo Nghị định 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Cục trưởng Cục QLGS bảo hiểm Nguyễn Quang Huyền chia sẻ những điểm mới trong chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
Mở rộng địa bàn, đối tượng bảo hiểm
Tại các buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Giám sát, quản lý Bảo hiểm Nguyễn Quang Huyền cho biết những điểm mới trong chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nội dung quan trọng là bổ sung thêm các đối tượng bảo hiểm. Theo đó, ở mảng cây trồng, ngoài lúa đã bổ sung thêm cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; đối với vật nuôi thì bên cạnh trâu, bò đã bổ sung thêm lợn; ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bổ sung thêm cá tra bên cạnh tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Điều này đã tạo điều kiện cho người nông dân có thêm lựa chọn để tham gia bảo hiểm.
Bên cạnh đó, mở rộng các địa phương được hỗ trợ (từ 19 lên 29 địa phương), bao gồm: Bắc Giang, Sơn La, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Quang Huyền cho biết, việc triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đã thu được một số kết quả bước đầu sau khi các chính sách, hệ thống văn bản được ban hành. Có được điều đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, các địa phương khi đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn chính sách và triển khai trên thực tiễn.
Đại diện đoàn công tác cũng đánh giá cao sự tích cực của các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chương trình và chủ động xây dựng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. Đến nay, ngoài những doanh nghiệp chủ lực như Tập đoàn Bảo Việt, Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam còn có thêm sự tham gia của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội…
Về cơ bản, các sản phẩm bảo hiểm được xây dựng đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Hiện nay, cơ quan quản lý cũng đang cùng chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp để cho ra đời các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 13.
Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Đắk Lắk
2/3 tỉnh chọn xong địa bàn, đối tượng triển khai bảo hiểm
Thông tin tại buổi làm việc, các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông cho biết, hiện nay các tỉnh bắt đầu triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn. UBND các tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương có liên quan đề xuất UBND tỉnh triển khai.
Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk đã có những bước triển khai mạnh mẽ. Theo ông Đặng Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai, trong thời gian tới, các Sở sẽ tiếp tục hoàn thiện tham mưu cho UBND tỉnh về việc triển khai chính sách này; đồng thời sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thực hiện chính sách trên địa bàn. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tổng hợp những khó khăn vướng mắc để báo cáo UBND tỉnh sớm có chỉ đạo để triển khai hiệu quả.
Theo dự thảo Quyết định về việc công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tỉnh sẽ triển khai hỗ trợ phí bảo hiểm đối với cây cao su tại 11 địa phương; cây hồ tiêu tại 13 địa phương, cây điều tại 14 địa phương; riêng đối với vật nuôi là trâu, bò sẽ triển khai tất cả các huyện, thị xã, thành phố.
Ông Nguyễn Tấn Thành - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi làm việc
Tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Tấn Thành - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng cho triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Căn cứ theo Quyết định số 13, Đắk Lắk dự kiến sẽ triển khai bảo hiểm nông nghiệp đối với cây trồng (cao su, cà phê, hồ tiêu, điều) và vật nuôi (trâu, bò, lợn). Về mức hỗ trợ phí và rủi ro được bảo hiểm sẽ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở quy định của trung ương và văn bản chỉ đạo của tỉnh, cơ bản các huyện thị xã, thành phố trên địa bàn đã triển khai văn bản cho các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban liên quan và các đơn vị đã chủ động nghiên cứu, thực hiện các nội dung theo thẩm quyền, triển khai đến các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp về chính sách bảo hiểm và hướng dẫn lập hồ sơ hỗ trợ phí bảo hiểm sau khi được UBND tỉnh ban hành quyết định về địa bàn được hỗ trợ.
Đối với việc lựa chọn địa bàn, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng và lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách các xã trên địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Dự kiến địa bàn được hỗ trợ sẽ gồm 10 huyện và 55 xã.
Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Đắk Nông
Tại Đắk Nông, hàng năm UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất, xác định mức độ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo định kỳ, đột xuất để góp phần thực hiện các nội dung, chính sách có liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa để triển khai sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây cà phê và hồ tiêu. Rủi ro được bảo hiểm hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với cây cà phê, hồ tiêu gồm bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, lũ quét, ngập lụt, mưa đá, sương muối;
Đại diện Sở Tài chính tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh này cũng xác định bảo hiểm nông nghiệp là giải pháp hỗ trợ, bảo vệ người nông dân trên địa bàn trước những rủi ro về thiên tai, thời tiết, dịch bệnh, môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp, cụ thể là đối với cây cà phê và hồ tiêu. Tuy nhiên, do chính sách còn mới nên công tác tuyên truyền, phổ biến tại một số địa phương chưa thực sự sâu sát, thiếu đồng bộ dẫn đến một số bộ phận người dân chưa nắm bắt được chính sách. Bên cạnh đó, công tác quản lý sản xuất còn hạn chế do người dân sản xuất theo mô hình cá thể, nhỏ lẻ, rời rạc, chưa có sự hợp tác, liên kết với nhau nên gặp khó khăn trong việc triển khai, bảo trợ.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Theo đánh giá của đại diện tại ba tỉnh này về việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho thấy, tình hình sản xuất nông nghiệp trong những năm qua chịu nhiều tác động của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng như thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho người sản xuất cũng như các doanh nghiệp khi triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Nhận thức của người sản xuất về bảo hiểm nông nghiệp còn hạn chế, chưa hiểu được tầm quan trọng và lợi ích do loại hình bảo hiểm nông nghiệp đem lại nên người sản xuất chưa sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Do đó, các tỉnh này rất mong Bộ Tài chính hướng dẫn về nội dung kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm và có cơ chế để địa phương chọn thí điểm từ 1 đến 2 mô hình bảo hiểm nông nghiệp làm cơ sở nhân rộng để người dân thấy rõ lợi ích khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Để chính sách được phổ biến rộng rãi hơn, các doanh nghiệp bảo hiểm cần trực tiếp hướng dẫn, tư vấn cho tổ chức, cá nhân sản xuất ở địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp về các nội dung liên quan như loại hình bảo hiểm, nội dung hợp đồng bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khi tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp.
Tại các buổi làm việc, đại diện các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm đều khẳng định, các doanh nghiệp đang cố gắng bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để hỗ trợ tốt nhất cho người dân. Về cơ bản, các sản phẩm bảo hiểm được xây dựng đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; lấy nông dân làm trung tâm với các quy định đảm bảo rõ ràng, minh bạch về quyền lợi, trách nhiệm, điều kiện bảo hiểm; mức phí bảo hiểm không chỉ phù hợp với điều kiện, mức trách nhiệm bảo hiểm mà còn đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của người nông dân và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, các tỉnh muốn có sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân thì phải có số liệu thống kê cụ thể về số lượng, nhu cầu tham gia của người dân. Tỉnh nào càng nhiều nhu cầu tham gia bảo hiểm thì các sản phẩm bảo hiểm sẽ có mức phí tốt và quyền lợi nhiều hơn những địa phương có ít nhu cầu vì nguyên tắc của bảo hiểm là lấy số đông bù số ít. Nếu số lượng tham gia ít sẽ khó có thể xây dựng chương trình hoàn thiện, cần có điều chỉnh về phạm vi bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm Nguyễn Quang Huyền cũng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chương trình, trong đó, điểm nhấn là việc chủ động xây dựng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.
Ông Huyền cho biết, hiện nay, cơ quan quản lý cũng đang cùng chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp để cho ra đời các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 13. Tuy nhiên, do đây là chính sách mới, khá phức tạp đối với các địa phương, cũng như doanh nghiệp và người nông dân. Do đó, trong thời gian tới, cơ quan quản lý mong muốn nhận được sự quan tâm vào cuộc của các cấp, chính quyền của các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm trên địa bàn. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích chính sách để người nông dân tích cực tham gia.
Theo kinh nghiệm triển khai bảo hiểm nông nghiệp tại 13/19 tỉnh, ông Huyền cho rằng vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp thời gian qua cho thấy, tại các địa phương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, cho đến nay 18/19 địa phương thuộc danh sách được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg đã hoàn thành việc lựa chọn địa bàn được hỗ trợ), một số địa phương đã hoàn thành phê duyệt đối tượng được hỗ trợ.
Hiện nay, có 3 DNBH là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) được Bộ Tài chính phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp được phê chuẩn gồm: Sản phẩm bảo hiểm cây lúa theo chỉ số năng suất; sản phẩm bảo hiểm vật nuôi (trâu, bò); sản phẩm bảo hiểm thủy sản (tôm). Đến nay, các DNBH đã thực hiện cấp đơn bảo hiểm tại Nghệ An, Thái Bình (đối với cây lúa); Hà Giang, Bình Định (đối với vật nuôi).
Có 04 tỉnh (Nghệ An, Thái Bình, Hà Giang và Bình Định) có kết quả triển khai bảo hiểm. Trong đó, tại Nghệ An, tổng giá trị được bảo hiểm là 39,1 tỷ đồng tổng số phí bảo hiểm là 2 tỷ đồng (trong đó số phí bảo hiểm được NSNN hỗ trợ là 1,33 tỷ đồng); ước bồi thường khoảng 145 triệu đồng.
Tại Hà Giang, tổng giá trị được bảo hiểm là 71,9 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm là 2,63 tỷ đồng (trong đó số phí bảo hiểm được NSNN hỗ trợ là 2,37 tỷ đồng); Bồi thường khoảng 52,5 triệu đồng.
Tại Thái Bình, tổng giá trị được bảo hiểm: 30,23 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm đạt 1,91 tỷ đồng (trong đó số phí bảo hiểm được NSNN hỗ trợ là 1,72 tỷ đồng); Bồi thường: Chưa phát sinh.
Tại Bình Định, tổng giá trị được bảo hiểm là 5,1 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm khoảng 337,7 triệu đồng (trong đó số phí bảo hiểm được NSNN hỗ trợ là 303,96 triệu đồng); Bồi thường: Chưa phát sinh.
Kim Chung